Hoạt động trải nghiệm “Vui gói bánh chưng- Tưng bừng đónTết” và tặng quà Tết cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn

Từ thuở ấu thơ, có lẽ không có người Việt Nam nào không được biết về sự tích bánh chưng- bánh dày, không có người Việt Nam nào chưa từng tần ngần ngắm mâm ngũ quả trên bàn thờ tổ tiên ngày Tết, không có người Việt Nam nào không thuộc câu tục ngữ “Lá lành đùm lá rách”…bởi vì đó là một phần của phong tục, của văn hóa, của tâm hồn dân tộc Việt Nam, đó là một phần của bản sắc dân tộc Việt Nam trong ý thức mỗi người Việt Nam được truyền từ đời này qua đời khác.

     Thực hiện chủ đề hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp tháng 1 “Thanh niên với việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc”, ngày 15/01/2020, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trường THPT Trần Thánh Tông đã tổ chức hoạt động trải nghiệm “Vui gói bánh chưng - Tưng bừng đónTết” và tặng quà Tết cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn.
Từ 7h00 sáng, sân trường đã rộn ràng tiếng cười nói của học sinh. Các em rất háo hức khi được tự tay rửa lá, vo gạo, xôi đỗ,chọn quả; háo hức được tự tay gói bánh, cắm hoa, bày mâm ngũ quả. Vừa gói bánh,các em vừa ôn lại chuyện vua Hùng Vương thứ 6 muốn chọn một trong số các hoàng tử để truyền ngôi báu, nhắc lại câu nói của một vị thần trong giấc mơ của hoàng tử Lang Liêu: “Này con, vật trong trời đất không có gì quí bằng gạo, vì gạo là thức ăn nuôi sống con người. Con hãy nên lấy gạo nếp làm bánh hình tròn và hình vuông, để tượng hình Trời và Đất. Hãy lấy lá bọc ngoài, đặt nhân trong ruột để tượng hình cha mẹ sinh thành"… Các em được thầy cô giảng giải cho hiểu rằng bên ngoài của chiếc bánh chưng là lá dong có sẵn trong tự nhiên, bên trong là gạo nếp, đậu xanh, hành, thịt lợn... là những nguyên liệu làm nên bữa ăn truyền thống của dân tộc, vì vậy bánh chưng ngày Tết thể hiện sự biết ơn trời đất đã cho mưa thuận gió hòa, để mùa màng bội thu, đem lại cuộc sống ấm no cho con người.Bánh chưng cũng thể hiện chữ hiếu của con cháu đối với ông bà, cha mẹ, chính vì thế mà người Việt có phong tục dùng bánh chưng làm quà biếu ông bà, cha mẹ trong dịp Tết. Các em cũng hiểu rằng trong văn hóa phương Đông, nhiều quy luật tự nhiên được gắn với chữ “ngũ”: ngũ hành, ngũ cốc, ngũ quan, ngũ vị… cho nên trên bàn thờ Tết của người Việt có mâm cúng đủ 5 loại quả. Mâm ngũ quảcó ý nghĩa là dâng cúng tổ tiên thể hiện lòng hiếu thảo và ước mong những điều tốt lành cho gia đình

  Cũng trong nội dung của chủ đề hoạt động, nhà trường đã trao 10 phần quà Tết cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, mỗi phần quà trị giá 600.000đ. Các phần quà tuy nhỏ nhưng chứa đựng tình cảm sẻ chia, yêu thương của thầy cô và bạn bè đối với các em, mong muốn các em đón Tết cổ truyền của dân tộc hạnh phúc, ấm áp bên gia đình. Cô Nguyễn Thị Nguyệt-giáo viên Tiếng Anh, cô Lê Mai Nữ- giáo viên Giáo dục Công dân- còn trích một phần thu nhập của mình trao hai suất học bổng, mỗi suất 2.500.000 cho hai em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, tích cực vượt khó, đạt thành tích cao trong học kỳ I năm học 2019-2020. Tình cảm của hai cô là nguồn động viên tinh thần lớn đối với hai em, giúp hai em thêm mạnh mẽ để tiếp tục vượt qua hoàn cảnh, vươn lên trong học tập, tự tin trên đường đời.

     Hoạt động trải nghiệm đã kết thúc trong niềm vui của thầy và trò. Bánh chưng các em gói, mâm ngũ quả các em bày tuy còn vụng về, lời các em thuyết trình tuy còn chút ngập ngừng, nhưng chứa đựng trong đó cả một sự trân trọng đối với truyền thống hiếu thảo, nhân hậu của dân tộc thể hiện qua một phong tục đẹp. Hy vọng qua hoạt động trải nghiệm này, các em có ý thức giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, bởi vì trong thời kỳ giao lưu và hội nhập hiện nay, bản sắc văn hóa là cơ sở để dân tộc ta hội nhập với tiến trình giao lưu quốc tế mà không tự đánh mất mình.