TIN NGÀNH GIÁO DỤC

Giải pháp nào để giảm áp lực trong tuyển sinh vào lớp 10?

Ngày Thứ Năm, 13/07/2023 Lượt xem 3406

Công tác phân luồng sau bậc THCS cũng chưa đạt được mục tiêu như kỳ vọng do hệ thống trường nghề thiếu sự đầu tư, chậm đổi mới, chưa thực sự tạo được sự yên tâm cho phụ huynh, học sinh; cùng với đó là tâm lý muốn con học tiếp THPT rồi vào đại học. Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, Hà Nội không phải không có đất cho phát triển giáo dục nhưng những chính sách khuyến khích phát triển trường nghề hiện chưa thu hút các nhà đầu tư giáo dục.

Nếu giải quyết tốt việc phân luồng bằng sức mạnh của cả hệ thống chính trị, thay đổi cách nhìn và thái độ của phụ huynh và học sinh với trường nghề và thị trường lao động thì sẽ góp phần giảm áp lực cho kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10.

Chiến lược phân luồng chưa đạt mục tiêu như kỳ vọng

Từ nhiều năm nay, tỷ lệ học sinh được vào lớp 10 THPT công lập tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh thường dao động trong khoảng từ 60-77%. Đây cũng chính là một trong những lý do khiến cho cuộc đua vào lớp 10 công lập tại 2 thành phố này luôn căng thẳng và quyết liệt vì có khoảng 27- 40% học sinh sẽ không có suất vào trường công. Một câu hỏi được nhiều người, đặc biệt là các phụ huynh có con trong độ tuổi này đặt ra là tại sao lại có tỷ lệ này, vì sao thành phố không xây thêm trường lớp để tất cả học sinh đều được vào công lập?

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo CAND, việc “siết” chỉ tiêu vào lớp 10 công lập hiện nay, đặc biệt là các thành phố lớn chịu tác động từ nhiều chính sách liên quan đến phân luồng học THPT, đặc biệt là sau bậc THCS. Đáng chú ý là Chỉ thị số 10-CT/TW, ngày 5/12/2011 của Bộ Chính trị về phổ cập giáo dục Mầm non cho trẻ 5 tuổi, củng cố kết quả phổ cập giáo dục Tiểu học và THCS, tăng cường phân luồng học sinh sau THCS và xoá mù chữ cho người lớn đưa ra mục tiêu, phấn đấu đến năm 2020, có ít nhất 30% học sinh sau tốt nghiệp THCS đi học nghề.

Quyết định số 522/QĐ-TTg ngày 14/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 - 2025" cũng đưa ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, có ít nhất 40% học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ trung cấp, sơ cấp và các hình thức đào tạo khác.

Vào thời điểm khi nghị quyết ban hành, Hà Nội đã giảm tỉ lệ vào lớp 10 công lập xuống 60% nhưng thời điểm đó học sinh còn ít nên không gây căng thẳng. Sau này, số học sinh mỗi năm một tăng do áp lực dân số, nhất là ở các trường nội đô, nơi đô thị hóa diễn ra nhanh cũng là lý do khiến kỳ thi vào lớp 10 công lập ở địa phương này căng thẳng, gay gắt. Do đó, trong các năm học gần đây, để giảm tải áp lực, tỷ lệ này được dao động trong khoảng 60-62% tùy vào số lượng học sinh thi tuyển hàng năm. Riêng năm 2023, do số lượng học sinh tăng nên tỷ lệ này xuống còn khoảng 57%.

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng: Phân luồng sau bậc THCS là chính sách phù hợp của Đảng, Nhà nước nhằm tăng cơ hội cho người học tìm kiếm các cơ hội học tập phù hợp với năng lực của bản thân, điều kiện kinh tế gia đình cũng như cơ cấu lao động của địa phương. Tuy nhiên, công tác này trên thực tế chưa đạt được hiệu quả như kỳ vọng do việc tuyên truyền, tư vấn về hướng nghiệp trong nhà trường chưa thực sự đến được với phụ huynh và học sinh. Cùng với đó, chất lượng hệ thống các trường trung cấp nghề hiện nay vẫn còn chậm đổi mới, chưa thực sự đáp ứng được đòi hỏi thực tế nên chưa tạo dựng được niềm tin, sự yên tâm đối với người học.

PGS.TS Nguyễn Kim Hồng, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh cũng nhìn nhận, chủ trương phân luồng sau THCS chưa được thực thi như mong muốn. Nhiều phụ huynh vẫn muốn con em mình theo học hết THPT. Họ cho rằng sang tuổi 16, các em học xong THCS chưa đủ sức khỏe thể chất lẫn tinh thần để chuẩn bị bước chân vào thị trường lao động sau vài năm học nghề. Suy nghĩ này còn rất nặng nề trong mỗi gia đình, vì thế cha mẹ các em muốn bằng mọi cách cho các em được học THPT. Trong khi đó, nếu mọi phụ huynh nhận thức được độ tuổi lao động theo quy định của nhiều quốc gia là sau 15 tuổi, việc các em học xong THCS, có 1,5-2 năm học nghề để trở thành người lao động là một điều bình thường.

“Theo số liệu thống kê gần đây, số học sinh sau khi học xong THCS tiếp tục học tiếp THPT trong cả nước có tỉ lệ cao hơn 75%, khu vực nông thôn, tỉ lệ này cao hơn. Việc học sinh tiếp tục chọn và cho rằng chỉ có con đường vào THPT, sau đó tiếp tục học đại học và cao đẳng mới là con đường dẫn tới thành công là một trong những nguyên nhân dẫn tới học sinh không muốn “đi lối khác” sau THCS”- PGS.TS Nguyễn Kim Hồng cho biết.


Gỡ “nút thắt” bằng cách nào?

Theo một số công trình nghiên cứu về thị trường lao động tại Việt Nam gần đây cho thấy, cơ cấu lao động qua đào tạo có bằng cấp của Việt Nam và chuyển dịch theo hướng ngày càng bất hợp lý hơn bởi theo kinh nghiệm quốc tế, tỉ lệ lao động có trình độ bậc trung và sơ cấp phải là nhóm có tỷ lệ cao nhất. Mô hình tiêu chuẩn ở các nước phát triển là 1/4/10 (trong đó 1: Lao động có trình độ đại học và cao đẳng; 4: Lao động có trình độ trung cấp và 10: Lao động đã được đào tạo qua dạy nghề), trong khi đó, mô hình của Việt Nam hoàn toàn ngược lại. Năm 2018 tỷ lệ tương ứng là 1/0,3/0,4. Đáng nói hơn, tỷ lệ lao động trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề vốn đã thấp, lại có xu hướng giảm đi trong những năm qua. Hệ quả là Việt Nam sẽ dễ rơi vào tình trạng thiếu trầm trọng đội ngũ lao động chuyên môn kỹ thuật có trình độ trung cấp và sơ cấp.

Hay nói cách khác, nếu lấy số lượng lao động trình độ sơ cấp/dạy nghề hiện nay làm gốc tham chiếu, Việt Nam đang thừa một lượng lớn lao động trình độ cao từ cao đẳng trở lên. Bên cạnh đó, một số nghiên cứu khác cũng chỉ ra rằng, Chính phủ của các nước phát triển, nhờ sự phát triển kinh tế xã hội, nhà nước đã đề ra luật cho công dân của họ có quyền và nghĩa vụ học hết THPT. Mặc dù vậy nhưng không phải học sinh nào cũng lựa chọn con đường theo học THPT, khoảng hơn 1/4 số học sinh trong độ tuổi THPT ở các nước phát triển đã theo học trong các trường nghề, họ bước vào thị trường lao động khi hết tuổi THPT.

Thầy Nguyễn Văn Xuân, Hiệu trưởng Trường THCS Hạ Bằng (Thạch Thất, Hà Nội) nhìn nhận, với khu vực ngoại thành, việc trượt công lập không quá áp lực với phụ huynh học sinh. Lý do là nếu không vào công lập, nhiều gia đình sẵn sàng cho con theo học tại các trường nghề khi tốt nghiệp THCS. Điều này cũng giúp giảm áp lực cho kỳ thi chuyển cấp. Trong khi đó, ở khu vực nội thành, không ít phụ huynh vẫn có tâm lý e ngại khi nói đến việc cho con học nghề.

“Hiện nay theo chương trình học nghề 9 cộng, các em vẫn được học song song cả chương trình phổ thông và học nghề, khi tốt nghiệp có cả 2 bằng nghề và bằng tốt nghiệp THPT, đương nhiên vẫn có cơ hội học lên cao đẳng, đại học”- thầy Nguyễn Văn Xuân phân tích và cho rằng, việc học ở đâu không quan trọng bằng học như thế nào và điều cốt lõi vẫn là môi trường đó phù hợp với năng lực của học sinh, điều kiện kinh tế của phụ huynh.

Thầy Đinh Đức Hiền, giáo viên hệ thống giáo dục FPT cũng nêu quan điểm: Phân luồng tắc ở chính cơ chế và “niềm tin”. Thực tế hiện nay nhiều gia đình không cam lòng để đứa con đang ở độ tuổi 15 đi học nghề, họ vẫn muốn con em mình được học tiếp, có cơ hội vào đại học, để đến khi 18 tuổi nếu không đỗ đại học thì cũng đủ chín chắn để bước vào học nghề. Chủ trương phân luồng không sai, nhưng thực trạng hiện nay cho thấy các trường trung cấp nghề hiện vẫn còn thiếu và yếu, từ đào tạo đến cơ sở vật chất, đầu ra không rõ ràng, từ đó mà thiếu đi niềm tin ở phụ huynh và học sinh. Trong khi đó, công tác hướng nghiệp hiện nay tại các trường THCS, nhất là đối với chương trình cũ rất thiếu và yếu.

“Ở Việt Nam, thi cử định hướng học tập, chính vì vậy gần như từ lớp 8, học sinh chỉ tập trung vào 3 môn Toán, Văn, Anh, mọi hoạt động hướng nghiệp thông qua các môn học gần như xem nhẹ, nhà trường thì tập trung vào thành tích đỗ cấp 3 là chính, nhất là các trường công lập. Hi vọng rằng tới đây, khi chương trình mới phủ khắp các bậc học, thi cử có sự thay đổi phù hợp thì định hướng nghề nghiệp sẽ tốt hơn lên”- thầy Hiền nêu ý kiến.

Cũng theo chia sẻ của thầy Đinh Đức Hiền, đối với việc chọn trường cấp 3 hiện nay, yếu tố đầu tiên với phần lớn gia đình là kinh tế, nếu điều kiện kinh tế không đủ thì đừng nghĩ đến chuyện thích gì, năng khiếu gì.

Do vậy, với gia đình không có điều kiện thì quyết định chọn trường thường không nằm ở phía phụ huynh học sinh dù ai cũng muốn con mình được hưởng đầy đủ những điều tốt đẹp nhất nhưng đôi khi “lực bất tòng tâm”. Những đứa trẻ sẽ không có cách nào khác là phải nỗ lực để giành 1 suất vào trường công, nếu không sẽ là trung tâm giáo dục thường xuyên, trung cấp nghề. Và các gia đình thiếu điều kiện cần xác định rõ điều này. Đối với các gia đình có điều kiện hơn, cũng sẽ có nhiều lựa chọn nếu con không đỗ công lập, đó là hệ thống các trường tư thục với nhiều hình thức và chất lượng khác nhau.

Lúc này điều mà phụ huynh cần quan tâm sẽ là con cái được học những gì, phát triển theo thiên hướng nào, môi trường nào có thể phát hiện, phát huy thế mạnh của mỗi đứa trẻ. Sẽ rất khó để đưa ra một công thức chung nhưng có một nguyên tắc có thể vận dụng là phụ huynh hãy chọn cho con một môi trường có nhiều trải nghiệm nhưng có triết lý giáo dục rõ ràng và thực tế, bám sát nhu cầu phát triển xã hội, trải nghiệm trên sự tử tế và hướng tới sự trưởng thành của mỗi đứa trẻ