5-10 phút kiểm tra tình trạng đề thi
Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương cho biết, kỳ thi có hơn 116.000 lượt thí sinh thi tuyển lớp 10 chuyên và không chuyên. Đơn vị cử lực lượng thanh tra 590 người cắm chốt, thanh tra công tác thi ở tất cả các điểm thi đảm bảo tất cả các điểm tổ chức nghiêm túc, công bằng, không có hiện tượng điểm thi ngoại thành dễ dãi hơn.
“Thực tế, với tỉ lệ chọi cao hơn, học sinh ở các quận nội thành thi tuyển sẽ khó khăn hơn ngoại thành. Hà Nội đã và đang thực hiện các giải pháp để thu hẹp khoảng cách chất lượng giáo dục giữa các quận, huyện”, ông Cương nói
Sáng nay, thí sinh đến điểm thi, nghe phổ biến quy chế thi, đính chính sai sót thông tin (nếu có)
Ông Nghiêm Quốc Bình, Phó phòng Quản lý thi và Kiểm định chất lượng (Sở GD&ĐT Hà Nội) lưu ý, trước mỗi buổi thi, để đảm bảo công bằng, khách quan, trưởng điểm thi phân công cho cán bộ coi thi bốc thăm cách đánh số báo danh, bốc thăm phòng thi và bốc thăm cả cách phát đề trắc nghiệm đối với môn Ngoại ngữ. Có 2 cách phát đề là lần lượt từ trái qua phải và phải qua trái. Trước khi phát đề, cán bộ coi thi cho thí sinh xem tình trạng niêm phong túi đựng đề thi. Khi nhận đề, thí sinh lưu ý kiểm tra tình trạng đề có bị mờ, nhoè, mất góc phải báo ngay cho cán bộ coi thi để xử lý. Đối với môn tự luận, thí sinh có 5 phút, môn trắc nghiệm có 10 phút để báo cáo tình trạng đề. Sau thời gian đó, thí sinh phải hoàn toàn tự chịu trách nhiệm. Đối với môn trắc nghiệm, sau khi nhận phiếu trả lời trắc nghiệm, thí sinh phải tô mã đề, số báo danh.
Thí sinh đến muộn 15 phút kể từ thời gian phát đề sẽ không được vào điểm thi. Nếu thí sinh vào trong không được làm bài thi, sẽ phải bố trí một cán bộ trông ở phòng riêng.
Hết 2/3 thời gian môn thi tự luận, thí sinh được ra khỏi phòng thi, ra khỏi khu vực thi, tuy nhiên phải để lại toàn bộ đề thi, giấy nháp. “Khi nộp bài, các em nên kiểm tra lại số tờ mình thực hiện và đánh số đúng. Tránh trường hợp thực hiện được 2 ghi 3 hoặc ngược lại gây khó khăn cho công tác làm phách và chấm thi”, ông Bình nói.
Cán bộ coi thi được lưu ý phải nhắc nhở thí sinh, đề thi thuộc danh mục bí mật Nhà nước mức độ “tối mật”, mọi hành vi để lộ lọt ra bên ngoài đều phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Các điểm thi giáp ranh nhà dân phải dán kính cửa sổ. Có 2 điểm thi nhà dân ở trong trường phải sơ tán trong những ngày diễn ra kỳ thi.
Thí sinh chỉ được mang vào phòng thi: bút chì, bút viết compa, tẩy, thước kẻ, thước tính, máy tính bỏ túi không có chức năng soạn thảo văn bản và không có thẻ nhớ. “Ngoài những vật dụng được phép thì tất cả những thứ khác đều bị cấm. Tất cả các trường hợp vi phạm đều sẽ bị lập biên bản xử lý”, ông Nghiêm Quốc Bình nói.
Cảnh báo gian lận thi
Thượng tá Ngô Xuân Hải, Phó Trưởng phòng PA03, Công an TP Hà Nội, nói rằng, ngày càng xuất hiện thiết bị gian lận thi tinh vi như: camera cúc áo, mắt kính, hộp bút, thắt lưng… Các thiết bị này được kết nối với bên ngoài bằng sóng wifi hoặc sim điện thoại
Ông cảnh báo, thí sinh gian lận thi sẽ có các biểu hiện dễ bị phát hiện. Ví dụ, thí sinh sẽ phải lén lút chụp đề hoặc lẩm bẩm miệng đọc và chờ bên ngoài truyền kết quả vào. Khi phát hiện các biểu hiện bất thường, cán bộ coi thi sẽ lập tức kiểm tra, lập biên bản và báo cáo điểm trưởng, ban chỉ đạo thi để lực lượng công an truy nguồn cả đối tượng ở bên ngoài.
Trong kỳ thi, ngay cả cán bộ coi thi, giám sát kỳ thi đều bị thu điện thoại, thiết bị thu phát thông tin. Điểm trưởng phải chịu trách nhiệm bảo quản trong suốt thời gian diễn ra môn thi với sự phối hợp đảm bảo an ninh, an toàn của lực lượng công an
Nguồn: 24h.com.vn